Richard Browning, một nhà kinh doanh dầu ở Anh, chế tạo thành công bộ đồ bay theo phong cách Người Sắt bằng cách kết hợp ba bộ động cơ phản lực thu nhỏ, gắn chúng vào sau lưng và hai cánh tay, theo Live Science. Browning có thể thay đổi hướng của lực đẩy động cơ để kiểm soát tốc độ và hướng di chuyển.
Bộ trang phục đặc biệt nói trên cho phép Browning bay liên tục trong khoảng 10 phút. Ở những thử nghiệm đầu tiên, Browning bay lên cách mặt đất 1-2m với tốc độ 8km/h. Ông cho biết các nguyên mẫu trong tương lai có thể di chuyển với tốc độ 100km/h ở độ cao 100m. (Ảnh: Gravity).
Người sói Wolverine trong phim X-Men có khả năng tự hồi phục, chữa lành vết thương ngay cả khi bị bắn. Bộ phận nghiên cứu thực nghiệm của quân đội Mỹ đang tiến hành chương trình ElecRX nhằm phát triển một loại thiết bị cấy ghép siêu nhỏ, giúp con người tự chữa lành bệnh. Các thiết bị cấy ghép sẽ sử dụng xung điện để liên tục theo dõi tình trạng thể chất của một người. Nếu nó phát hiện thấy một cơ quan bị nhiễm bệnh hoặc bị thương, nó sẽ kích thích những dây thần kinh cần thiết để tái tạo và chữa lành cơ quan đó. (Ảnh: Live Science).
Jason Kerestes, nhà nghiên cứu tại Đại học bang Arizona, Mỹ, chế tạo thành công loại ba lô phản lực có thể giúp các binh sĩ chạy nhanh hơn ngoài chiến trường. Khi tiến hành thử nghiệm, loại ba lô này giúp người đeo chạy 1,6km chỉ trong 5 phút. Kerestes hy vọng những cải tiến trong tương lai sẽ làm giảm thời gian trên xuống còn 4 phút. (Ảnh: Clay Enos).
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Công lập Navarre (NUP/UPNA) và Đại học Valencia (UPV), Tây Ban Nha phát triển công nghệ chế tạo áo tàng hình, che giấu đồ vật khi bị chiếu sáng trực tiếp bằng cách phủ quanh nó vật liệu đặc biệt có khả năng uốn cong ánh sáng. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Physical Review A tháng 12/2016. (Ảnh: Elhuyar Fundazioa). "Những gì chúng tôi cần là hai vật liệu khác nhau với độ khuếch tán riêng biệt. Bằng cách kết hợp chúng với nhau, chúng tôi chế tạo những chiếc áo choàng có thể khiến ánh sáng di chuyển quanh vật thể để làm nó trông như biến mất", Futurismdẫn lời Bakhtiyar Oabayerv, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Công lập Navarre, cho biết.
Nhóm nghiên cứu tại Viện công nghệ Massachusets (MIT), Mỹ, phát triển thiết mới gọi là RF Capture, cho phép nhìn xuyên tường giống như siêu nhân. Đầu tiên, RF Capture tạo ra bản quét 3D của toàn bộ không gian xung quanh bằng cách truyền và nhận tín hiệu không dây phát xuyên tường. Khi có người di chuyển trong môi trường đó, thiết bị theo dõi những tín hiệu phản chiếu từ cơ thể họ. Sau đó, nó xâu chuỗi ảnh phản chiếu theo thời gian và dựng lại hình dáng con người. (Ảnh: MIT).
Gareth McKinley, giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, chế tạo một bộ quân phục đặc biệt gọi là TALOS bằng công nghệ nano. Bộ khung ngoài của TALOS chứa chất liệu tổng hợp dạng lỏng.
Khi cho dòng điện chạy qua, nó sẽ biến đổi thành loại áo giáp siêu cứng, linh hoạt, có khả năng chống đạn. Phần đầu trang phục được bố trí các thiết bị tăng cường khả năng nhìn ban đêm. TALOS còn có khả năng theo dõi nhịp tim, mức độ mất nước và thân nhiệt của người mặc. (Ảnh: Marvel).
Viễn tải (teleportation), hay dịch chuyển tức thời, là sự vận chuyển các vật hoặc hạt cơ bản từ nơi này tới nơi khác gần như ngay lập tức mà không phải di chuyển qua không gian. Điều này có thể được thực hiện nhờ hiện tượng rối lượng tử, một quá trình mà các hạt hạ nguyên tử liên kết với nhau và truyền thông tin ngay lập tức, ngay cả khi chúng ở cách nhau hàng nghìn km. (Ảnh: Alan Markfield). "Hiện nay công nghệ dịch chuyển tức thời vẫn còn lạ lẫm, nhưng các nhà khoa học tại Đại học Stanford, Mỹ, đã tiến hành thí nghiệm thành công ở cấp phân tử", Alexander Galitsky, một nhà đầu tư trong ngành công nghệ ở Nga, cho biết.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Stanford, Mỹ, phát triển thành công một phương thức giúp con người leo trèo dễ dàng như Người nhện dựa vào một miếng đệm gắn trên tay mô phỏng khả năng leo trèo của tắc kè. Khi tiến hành thử nghiệm, một người đàn ông nặng 70kg có thể di chuyển trên một bức tường kính cao 3,6 mét bằng cách sử dụng miếng đệm mới này. (Ảnh: DARPA).
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Minnesota, Mỹ, tạo ra một giao diện não - máy tínhcho phép con người điều khiển vật thể bằng ý nghĩ, cụ thể ở đây là một chiếc máy bay không người lái (quadcopter). Người điều khiển quadcopter sẽ đội một loại mũ trùm đầu thông minh có 63 điện cực, được bơm 2 loại gel để giúp nó kết nối trực tiếp với da đầu mà không cần phải tiểu phẫu để gắn lên da. Mũ sẽ đọc ý nghĩ của người điều khiển và ra lệnh cho chiếc máy bay. (Ảnh: Alan Markfield).
Các nhà nghiên cứu tại Stockholm, Thụy Điển, tạo ra một thiết bị hỗ trợ thở dưới nước gọi là Triton. Tuy chỉ dài 27cm, nó có thể giúp người sử dụng lặn dưới nước 45 phút ở độ sâu 4,5m mà không cần tới bình dưỡng khí cồng kềnh. Bộ phận trung tâm của thiết bị là màng sợi vi xốp đặc biệt với những ren xoắn có tác dụng giữ lại nước và chỉ cho oxy đi qua. (Ảnh: Clay Enos).
Nguồn: Khoahoc.tv