Toàn cảnh buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc về phía Bộ KH&CN có ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung Ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ KH&CN cùng lãnh đạo đại diện cho các đơn vị trong Bộ.
Về phía tỉnh An Giang có bà Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Trung Ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh An Giang; ông Vương Bình Thạnh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cùng các lãnh đạo tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Bộ sẽ đồng hành cùng các địa phương nói chung và An Giang nói riêng, nỗ lực hỗ trợ tối đa để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế tại địa phương
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: "Có thể nói thể chế và hệ thống pháp luật về KH&CN đã thành một hệ thống hoàn thiện, đủ cơ sở để đưa Nghị quyết số 20 về phát triển KH&CN vào cuộc sống. Bộ KH&CN rất quan tâm để làm sao thúc đẩy KH&CN tại các địa phương, vùng miền của đất nước trong đó có vùng Tây Nam Bộ. Mặc dù vẫn còn hạn chế nhất định trong việc đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào phục vụ phát triển kinh tế xã hội nhưng thời gian tới tôi mong muốn các địa phương khi tập trung đưa KH&CN vào sẽ phục vụ đắc lực, giải quyết tốt những vấn đề quan trọng nhất của tỉnh".
Bộ trưởng đưa ra gợi ý, các địa phương nên tập trung vào liên thông nguồn lực địa phương với các chương trình quốc gia trong đó bao gồm liên thông cả con người và kinh phí thực hiện - "Có nhiều tỉnh nghèo nếu ưu tiên phát triển trọng điểm sẽ cho kết quả tốt, như tỉnh Tuyên Quang đã rất nỗ lực đưa KH&CN vào sản xuất cam. Từ chỗ sản xuất cam theo phương thức quảng canh tỉnh Tuyên Quang đã tập trung đầu tư vào giống, canh tác cùng các chính sách hỗ trợ đi kèm đến nay diện tích trồng cam đã lên tới 6.000 ha, tính trung bình doanh thu gần 300 triệu/ ha, vượt hẳn thu ngân sách hiện nay của tỉnh." - Bộ trưởng đưa ra ví dụ.
Bộ trưởng cũng khẳng định, với vai trò là cơ quan Trung ương về lĩnh vực KH&CN, phía Bộ sẽ đồng hành cùng các địa phương nói chung và An Giang nói riêng, nỗ lực hỗ trợ tối đa để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế tại địa phương.
Đại diện địa phương tỉnh An Giang, bà Võ Thị Ánh Xuân cho biết: "An Giang là một tỉnh của vùng Tây Nam Bộ có lợi thế về phát triển nông nghiệp và dịch vụ thương mại. Trong suốt thời gian dài với tinh thần cần cù, chịu khó và sáng tạo của người dân, chúng tôi đã đạt được những thành tựu ban đầu trong phát triển nông nghiệp. Người dân năng động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giúp An Giang trở thành tỉnh đứng đầu trong cả nước về xuất khẩu gạo, thủy sản…".
Tuy nhiên, bà Xuân cũng nêu ra thách thức hiện nay của tỉnh An Giang đó là trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đòi hỏi rất cao về việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp trong khi nguồn lực địa phương có hạn. Hơn nữa, đứng trước với biến đổi khí hậu do đó kinh tế xã hội và đời sống của người dân cũng chịu ảnh hưởng.
Mặc dù địa phương nhận thức rõ vai trò của KH&CN trong quá trình sản xuất nhưng do điều kiện hiện nay còn nhiều hạn chế về nguồn lực, chuyên gia đầu ngành của tỉnh còn ít, doanh nghiệp ứng dụng KH&CN vào sản xuất nên tỉnh vẫn đang gặp nhiều vướng mắc.
Bà Xuân bày tỏ mong muốn được sự quan tâm hỗ trợ, từ Chính phủ các bộ, ngành và đặc biệt là Bộ KH&CN - "Chúng tôi xác định KH&CN là một động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh giúp nâng cao dân trí, nguồn nhân lực KH&CN hướng đến phát triển theo chiều sâu. Mong muốn Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ trong hoạt động, nguồn lực KH&CN tỉnh; hỗ trợ thực hiện các đề án cấp quốc gia, cấp khu vực; hỗ trợ về phương pháp tổ chức thực hiện hiệu quả trung tâm công nghệ sinh học của tỉnh; giúp cho các doanh của tỉnh được tiếp cận với các quỹ, các chương trình đổi mới sáng tạo của Bộ".
Trước những chia sẻ trên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo các đơn vị trong Bộ hỗ trợ và đưa ra ý kiến cùng với tỉnh An Giang sớm thực hiện được những đề xuất trên. Qua đó, Bộ trưởng cũng kỳ vọng với sự quan tâm và nhận thấy vai trò của KH&CN của lãnh đạo An Giang sẽ đưa kinh tế xã hội của An Giang có những dấu ấn và bứt phá trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc các đại biểu cũng đã trao đổi, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn khi tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN trong thực tiễn, bàn những giải pháp ứng dụng KH&CN trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm chủ lực của tỉnh An Giang./.
Nguồn: Website Bộ Khoa học và Công nghệ