Hiện nay RCA có 22 nước thành viên tham gia là: Australia, Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Lào, Mông Cổ, Myanma, Newzealand, Pakistan, Philipines, Hàn Quốc, Singapore, Srilanka, Fiji, Nepal, Palau, Thái Lan và Việt Nam. Việt Nam chính thức trở thành thành viên của RCA từ năm 1981.
Kể từ khi tham gia Hiệp định RCA đến nay, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các dự án hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác vùng RCA, tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, các hội nghị, hội thảo chuyên môn và cử chuyên gia trợ giúp chuyên môn theo yêu cầu của các nước tham gia dự án. Việt Nam đã cử nhiều lượt cán bộ thuộc các ngành khác nhau tham dự các khoá đào tạo do RCA phối hợp với IAEA tổ chức, đồng thời tiếp nhận thiết bị và các đoàn chuyên gia đến Việt Nam tổ chức hội nghị, hội thảo, các lớp đào tạo chuyên môn và tư vấn kỹ thuật. Cho đến nay Việt Nam đã tham gia hơn 170 dự án vùng của RCA thuộc các lĩnh vực: Nông lương, Chăm sóc sức khỏe, Phát triển công nghiệp, Bảo vệ môitrường, An toàn bức xạ và Lập kế hoạch năng lượng.
Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác vùng RCA, đội ngũ cán bộ, chuyên gia kĩ thuật của Việt Nam đã có cơ hội học hỏi, trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyện tử (NLNT) với các đồng nghiệp trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ, thiết lập hệ thống hợp tác, thông tin giữa các cơ quan kỹ thuật hạt nhân của các nước thành viên RCA, góp phần giúp Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các ngành kinh tế - kỹ thuật.
Nhằm duy trì và thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ RCA trước tình hình mới, Hiệp định hợp tác vùng RCA 2017 có sửa đổi, bổ sung một số điều khoản so với Hiệp định hợp tác vùng RCA 1987 được gia hạn lần cuối vào năm 2012, về việc mở rộng phạm vi hợp tác, đối tượng tài trợ cho các hoạt động dự án và hiệu lực thi hành. Nhìn chung, việc tiếp tục tham gia Hiệp định hợp tác vùng RCA 2017 sẽ giúp tăng cường khuôn khổ pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên RCA, với IAEA và các cơ quan liên quan khác.
Xét thấy việc tham gia Hiệp định hợp tác vùng RCA 2017 là điều cần thiết để thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu, phát triển và đào tạo liên quan đến KH&CN hạt nhân ở Việt Nam, Chính phủ đã có Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 10/6/2017 chấp thuận tham gia Hiệp định hợp tác vùng RCA 2017 và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Hiệp định.
Ngày 13/06/2017, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ký công thư gửi Tổng Giám đốc IAEA chấp thuận tham gia Hiệp định hợp tác vùng RCA 2017.
Bên cạnh những thuận lợi khi tham gia Hiệp định hợp tác vùng RCA 2017, Việt Nam cũng cần tính đến bài toán kinh phí đối ứng để hỗ trợ và phát huy tối đa hiệu quả của các dự án RCA vì các dự án này đều có quy mô nhỏ, kinh phí không được cấp cụ thể cho từng nước tham gia. Các cơ quan/đơn vị tham gia dự án RCA trong thời gian qua rất khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của dự án. Do đó, để các dự án RCA thực sự mang lại hiệu quả cao về kinh tế-xã hội cần có nguồn kinh phí đối ứng trong nước thông qua các dự án, đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước hoặc có thêm nguồn hỗ trợ kinh phí từ các hợp đồng nghiên cứu với IAEA.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang xây dựng các nội dung, lộ trình triển khai Hiệp định hợp tác vùng RCA 2017 với mong muốn khai thác hiệu quả kênh hợp tác này, từng bước giúp Việt Nam nâng cao năng lực về KH&CN hạt nhân./.
Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam