Khởi nghiệp… Titanic

Ngày 20 tháng 07, 2017

Khởi nghiệp

Năm 1912, chỉ sau bốn ngày ra khơi, con tàu mang rất nhiều kỳ vọng RMS Titanic va vào tảng băng trôi trên Đại Tây Dương. Từng được ca tụng không ngớt lời như là một tiến bộ công nghệ và mang theo kỳ vọng vô cùng lớn lao của ngành hàng hải, nhưng với khoảng 1.500 người thiệt mạng Titanic là một trong những thảm hoạ lớn nhất thời bình.

 

Phong trào khởi nghiệp hiện nay khiến tôi không khỏi liên tưởng đến con tàu Titanic. Nó lướt đi êm đềm trong trời quang, biển lặng nhưng chỉ cần cú va chạm đầu tiên đã khiến nó trở thành quá khứ. Tương tự như thế, đại đa số doanh nghiệp khởi nghiệp đều không chịu nổi cú va chạm thị trường đầu tiên. Môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam chỉ nóng trên bề mặt, rôm rả như không khí vui đùa, hớn hở trong quán càphê Parisienne của Titanic. Kỳ thật, phía dưới nó lạnh lẽo không khác gì nước biển Đại Tây Dương trong tháng 4 định mệnh ấy vì các lý do sau:

– Vai trò của nhà nước: một khi không có chính sách phù hợp dành cho khởi nghiệp thì hậu quả sẽ trở nên vô cùng nặng nề. Tại Israel, chính phủ xem doanh nghiệp như khách hàng. Họ hiểu rằng nhà nước không đủ khả năng dự đoán và dẫn dắt thị trường. Thị trường tự dẫn dắt dựa trên cơ sở khám phá và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Vì thế, vai trò của nhà nước được xác định rất rõ trong hợp tác công tư (Public Private Partnership) là: xây dựng cơ sở hạ tầng, chia sẻ rủi ro và bảo đảm các mục tiêu xã hội. Tại Singapore, trong ba năm đầu tiên khởi nghiệp, nếu lợi nhuận thấp hơn 100.000 đôla doanh nghiệp sẽ được miễn thuế; 200.000 kế tiếp chỉ đóng thuế 8,5%, trên 300.000 mức thuế là 17%. Ngoài ra, doanh nghiệp khởi nghiệp được hoàn thuế đến 30%. Năm 2017 là năm Thúc đẩy Khởi nhiệp và Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Malaysia với gần 50 triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Trongkhi ấy tại Việt Nam, ngoài những bài phát biểu giục giã hô hào, chúng ta chưa có chiến lược quốc gia về khởi nghiệp.

– Cách thức kinh doanh cũ kỹ: cách thức kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp hầu như không có sáng tạo, phù hợp với sự biến đổi của thị trường. Họ áp dụng chiến lược vô cùng cổ xưa để cạnh tranh: giá rẻ. Hàng ngày trên đường đi làm, tôi quan sát trên đoạn đường chưa đến 200m trước trường đại học Tôn Đức Thắng, có hàng chục quán ăn, xe đẩy thức ăn từ bánh mì, bún, cơm tấm, xôi, cháo đến càphê, nước ngọt, sữa, v.v. Điểm chung là giá rẻ và do các bạn trẻ kinh doanh. Các mặt hàng giống nhau, giá giống nhau, cách thức kinh doanh giống nhau. Cũng có một vài bạn trẻ cố gắng tạo ra sự khác biệt bằng đồng phục hoặc cách phục vụ, mời chào mua hàng. Chỉ một thời gian ngắn, những bộ đồng phục biến đi và thay vào đó là nhóm mới, đồng phục mới. Đơn giản vì họ không có sự khác biệt mang ý nghĩa cho khách hàng. Trả lời câu hỏi cạnh tranh bằng cách nào, người chủ – đa phần là các bạn trẻ – hồ hởi: giá rẻ, lấy công làm lời… Và đó chắc chắn là công thức để các
cơ sở kinh doanh chớm nở chóng tàn.

– Không chuẩn bị đầy đủ. Khởi nghiệp kinh doanh đòi hỏi doanh chủ phải đóng nhiều vai trò từ vạch chiến lược, lên kế hoạch đến thực hiện tiếp thị, bán hàng, sản xuất, giao hàng, đến quản lý nhân sự, tài chính, kế toán, v.v. Phần đông doanh nghiệp khởi nghiệp bắt đầu bằng một ý tưởng và sau đó cắm đầu làm thiếu sự chuẩn bị về kiến thức lẫn kỹ năng. Việt Nam thiếu các chương trình đào tạo khởi nghiệp bài bản, có tính hệ thống và khoa học, trong khi ấy lại thừa các khoá học làm giàu cấp tốc gieo ảo tưởng làm giàu không khó. Nhà nhà, người người chạy theo học chiêu trò, mánh khoé mà quên mất nguyên tắc cơ bản nhất của kinh doanh là phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng. Doanh nghiệp chỉ có thể phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng một khi hiểu rõ khách hàng mục tiêu, tạo ra giá trị và cung cấp giá trị cho khách hàng sao cho việc kinh doanh có lợi nhuận lâu dài, bền vững. Điều này đòi hỏi phải trang bị kiến thức và kỹ năng lập chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quản trị sản xuất hoặc dịch vụ,  marketing và bán hàng, quản lý nhân sự, quản lý dòng tiền và tài chính, quản trị phục vụ khách hàng.

Có rất nhiều con tàu vượt đại dương và gặp rất nhiều va chạm như Titanic, nhưng vẫn an toàn về đích. Khởi nghiệp cũng vậy, tuy hiểm nguy nhưng có thể thành công nếu biết cách vận hành. Cần cẩn trọng chớ thấy người ăn khoai nên vác mai đi đào, và quan trọng hơn hãy chuẩn bị kỹ lưỡng, trang bị cho mình tư duy hệ thống, kiến thức vững chắc và kỹ năng kinh doanh linh hoạt. Hãy học thức trước học chiêu.

Lâm Bình Bảo
TGĐ ProMinent Dosiertechnik Vietnam/Partner – G Coaching
Theo TGTTPhong trào khởi nghiệp hiện nay khiến tôi không khỏi liên tưởng đến con tàu Titanic.

Tuanna

Các tin cùng chuyên mục

Đối tác

Bản tin đa phương tiện

Chuyên Đề Truyền Thông Về Phát Triển Thị Trường KH&CN 2016