Người dân tộc có lợi thế trong khởi nghiệp

Ngày 20 tháng 07, 2017

Dân tộc khởi nghiệp

“Những sản phẩm bản địa muốn đi vào phân khúc quà tặng, thì nên có những dòng giải thích bằng tiếng Anh sẽ có nhiều giá trị hơn. Và quan trọng nữa là phải có thêm bao bì đẹp, hộp đẹp để nhìn ai cũng muốn mua”

“Đừng nghĩ mình là người dân tộc thiểu số sẽ bị hạn chế điều này điều khác, đó chính là lợi thế cực lớn, bởi những tài nguyên bản địa là tài sản gần như chỉ nơi đó mới có”, Ông Hà Việt Quân, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổ trưởng Tổ công tác khởi nghiệp của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cho biết như thế tại buổi giao lưu: “Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa” do Dự án Sáng tạo khởi nghiệp của Trung tâm BSA tổ chức tại Hà Nội vừa qua.

Dùng nghệ thuật kể chuyện để tạo ra “miếng võ” cho mình

Từ xa xưa, cha ông ta đã biết cách kể câu chuyện về sản phẩm để sao cho cuốn hút, lôi kéo và hấp dẫn nhất với người nghe, chuyện kể về quả dưa hấu qua sự tích Mai An Tiêm là một trong số đó.

Khi Lý A Nếnh nói về dự án của mình là Trà Shan Tuyết Tà Xùa (Lạng sơn), tìm hiểu thì thấy, loại chè này có nhiều điểm nổi bật: hình thành trên đỉnh cao từ 1.400 – 1.500m so với mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ. Nơi đây có những cây trà cổ thụ đã hơn 200 năm tuổi…

Trà Tà Xùa có búp màu trắng, cánh vàng, lá to được bà con lại chăm bón tự nhiên, không sử dụng hóa chất, việc thu hái, sao chế tuân thủ đúng theo kinh nghiệm cha ông để lại nên chè khi uống có vị thơm, ngọt thanh, mát dịu. Màu nước chè từ khi pha tới vài nước sau vẫn giữ được nguyên màu xanh lơ đỏ. Khi uống chè, cảm giác đầu tiên là vị đắng chát, sau đó dần chuyển sang ngọt, hương vị chè thơm đặc biệt khác lạ so với các dòng chè khác.

Hiện nay trà Shan Tuyết Tà Xùa có giá bán khoảng trên 1.00.000 đồng/kg. Đây là một trong những sản phẩm có nhiều lợi thế phát triển, do đó, phải tìm những câu chuyện hay để kể sao cho lôi kéo và cuốn hút người tiêu dùng.

Nếnh nói, đang muốn phát triển để mở rộng thị trường và làm cho nhiều người biết đến sản phẩm, PGS – TS Trần Văn Ơn Chủ nhiệm khoa Dược học trường ĐH Dược HN khuyên:

Hãy làm theo kiểu “nhỏ mà có võ”, phải học nghệ thuật kể chuyện để kể câu chuyện về cây trà Tà Xùa như thế nào cho hấp dẫn.

Đồng tình với điều này, ông Hà Việt Quân cho rằng, các bạn trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số cần xây dựng được câu chuyện của sản phẩm, như thế việc bán hàng sẽ tốt hơn.

Trong khi đó, ông Trần Trí Dũng, chuyên gia giám sát và đánh giá kết quả tại chương trình Hỗ trợ Phát triển Hệ Sinh thái Khởi nghiệp Việt Nam do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ (SECO EP) nói:

“Sản phẩm bản địa có những giá trị và lợi thế tuyệt đối mà ít người làm được, nhưng dưới góc độ kinh doanh, nhiều bạn bán hàng đặc sản nói vì hàng độc đáo, nhiều người đặt mua nên không đủ để bán”

Đừng tự hào vì có nhiều người mua hàng và mình không có hàng để bán. Vì khi mình không bán được sẽ có người khác lấp vào chỗ đó. Do đó, đừng để khách hàng chờ, ông Trần Trí Dũng cho biết.

“Là bản địa thì không nên chú trọng vào số lượng”

 Nghe chia sẻ của những dự án, từ làm xà bông tươi của bạn Nguyễn Văn Chung; làm tinh dầu từ cây dược liệu của đồng bào dân tộc Mông (bạn Má A Nủ); làm túi thổ cẩm của bạn Thào Sung (dân tộc Thái); phát triển cam Hàm Yên và làm ví thổ cẩm của Nguyễn Thị Cẩm Ly (dân tộc Tày); Lý A Nếnh với dự án trà Shan Tuyết Tà Xùa (Lạng sơn)… ông Quân nhận xét, là sản phẩm bản địa thì không nên chú trọng vào số lượng, vì khó hướng tới công nghiệp, nên cần làm ít, tinh xảo, cao cấp để bán được giá cao.

Say mê với những sản phẩm của các bạn trẻ khởi nghiệp mang đến chương trình, ông Hà Việt Quân cho biết, từ đây sản phẩm quà tặng cho đối tác của Ủy ban dân tộc sẽ cân nhắc không sử dụng tranh Văn Miếu nữa mà là những sản phẩm dân tộc bản địa này. Đó là lời hứa mà ông Quân nói với các bạn khởi nghiệp và nhận được nhiều chàng vỗ tay từ các chuyên gia cũng như những người có mặt ngày hôm đó.

Dời cuộc giao lưu sớm vì phải đi công tác ở châu Phi tham dự hội nghị quốc tế về các sáng kiến của cộng đồng, ông Hà Việt Quân cũng kịp cầm theo những sản phẩm như muối ngâm chân của Má A Nủ; Túi thổ cẩm của Thào Sung; Cao Atiso, trà gừng của cao nguyên đá Hà Giang, ví thổ cẩm của Nguyễn Thị Cẩm Ly… và ông Quân đã trưng bày tất cả những sản phẩm này tại châu Phi xa xôi.

Dù chỉ là một gian hàng nho nhỏ với những sản phẩm rất “đặc trưng” vùng núi nhưng cũng làm ấm lòng biết bao bạn trẻ khởi nghiệp là con em các dân tộc đang theo dõi ông qua Facebook mỗi ngày ở quê nhà.

T. Quỳnh
 

Ông Hà Việt Quân bên gian hàng nhỏ trưng bày các sản phẩm bản địa của người dân tộc thiểu số Việt Nam tại Châu Phi

Tuanna

Các tin cùng chuyên mục

Đối tác

Bản tin đa phương tiện

Chuyên Đề Truyền Thông Về Phát Triển Thị Trường KH&CN 2016