Lễ ký thỏa thuận hợp tác khoa học và công nghệ vũ trụ về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình
Theo thỏa thuận, hai bên sẽ tập trung đẩy mạnh hợp tác với các nội dung cụ thể như: Quan sát Trái đất, bao gồm cả Khoa học Trái đất và giám sát; Thúc đẩy hợp tác giữa các ngành công nghiệp vũ trụ, các hoạt động vệ tinh.v.v…
Trong khuôn khổ của buổi lễ, nhằm ôn lại lịch sử phát triển Vũ trụ của Việt Nam và động viên niềm đam mê học tập và nghiên cứu vũ trụ cho thế hệ trẻ, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Lịch sử phát triển và Ước mơ vũ trụ Việt Nam” do Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu chủ trì.
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu nói chuyện với chủ đề “Lịch sử phát triển và Ước mơ vũ trụ Việt Nam”
Mở đầu buổi nói chuyện, đề cập đến lịch sử phát triển, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cho biết, năm 1978 Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn dẫn đầu sang Liên Xô ký Hiệp định hợp tác toàn diện Liên Xô – Việt Nam. Trong quá trình hội đàm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Bregnhiev đề xuất với Tổng Bí thư Lê Duẩn mời Việt Nam tham gia Chương trình hợp tác nghiên cứu sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình của các nước xã hội chủ nghĩa do Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô chủ trì, gọi là Chương trình Intercosmos.
“Thực hiện sáng kiến đó, Chính phủ Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học Việt Nam tham gia Chương trình Intercosmos và thành lập Ủy ban Nghiên cứu Vũ trụ do Viện sĩ Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch, tôi được Chính phủ cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Vũ trụ Việt Nam. Trong khuôn khổ Chương trình Intercosmos năm 1980 đến lượt phi công vũ trụ Việt Nam bay lên vũ trụ cùng với phi công vũ trụ Liên Xô. Để tổ chức chuyến bay vũ trụ Liên Xô – Việt Nam Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chuyến bay vũ trụ Liên Xô – Việt Nam do Phó Thủ tướng Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo có hai Phó Trưởng ban, một người phụ trách tuyển chọn và huấn luyện phi công vũ trụ là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Xuân Chiêm, tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ định làm Phó Trưởng ban phụ trách tổ chức thực hiện các thí nghiệm do phi công vũ trụ Việt Nam thực hiện trên tàu vũ trụ”, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu nhớ lại.
Trong chương trình khoa học của chuyến bay vũ trụ Liên Xô – Việt Nam có thí nghiệm quan trọng nhất là chụp ảnh đa phổ lãnh thổ Việt Nam bằng máy chụp ảnh đa phổ 6 kênh MKF-6 của Cộng hòa Dân chủ Đức khi tàu vũ trụ bay trên lãnh thổ Việt Nam. Phi công vũ trụ Phạm Tuân là người thực hiện việc chụp ảnh lãnh thổ Việt Nam bằng máy ảnh đa phổ MKF-6. Để xác định ảnh hưởng của lớp khí quyển và tìm ra quy trình giải đoán chính xác những bức ảnh chụp bằng máy MKF-6 trên tàu vũ trụ, cần tiến hành đồng thời thí nghiệm trên 3 tầng: tàu vũ trụ, máy bay, và nghiên cứu thực địa trên mặt đất. Cục Đo đạc và Bản đồ quân sự được giao nhiệm vụ chụp ảnh đa phổ bằng máy ảnh MKF-6 trên máy bay, Viện Khoa học Việt Nam chịu trách nhiệm điều tra thực địa trên mặt đất tại các vùng được chụp ảnh đồng thời từ vũ trụ và từ máy bay. Trên cơ sở đối chiếu kết quả chụp ảnh từ vũ trụ, từ máy bay và kết quả điều tra thực địa, các nhà khoa học ba nước Liên Xô, Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Đức thiết lập được quy trình giải đoán ảnh chụp bằng máy MKF-6 từ vũ trụ.
Sau chuyến bay vũ trụ Liên Xô – Việt Nam năm 1980 một lĩnh vực khoa học công nghệ mới là công nghệ viễn thám, tiếng anh gọi là remote sensing, đã hình thành ở nước ta và liên tục phát triển suốt 37 năm qua, ngày nay đã đạt được trình độ khoa học rất cao và được phổ biến khá rộng rãi trên cả nước.
Nối tiếp phần lịch sử, GS.VS Nguyễn Văn hiệu đã chia sẻ ước mơ về tương lai công nghệ vũ trụ Việt Nam. GS.VS khẳng định, công nghệ vũ trụ là lĩnh vực công nghệ tiên tiến, đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ Việt Nam rất chú trọng phát triển công nghệ vũ trụ, từ năm 2010 đã quyết định hợp tác với Tập đoàn EADS Astrium SAS (Pháp) chế tạo và phóng vệ tinh nhân tạo quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai VNRED-Sat1. Năm 2013 vệ tinh nhân tạo VNRED-Sat1 đã được phóng lên quỹ đạo. Sau khi VNRED-Sat1 hết thời hạn hoạt động, Việt Nam sẽ tiếp tục phóng vệ tinh VNRED-Sat1b. Đồng thời với việc phóng các vệ tinh VNRED-Sat1 và VNRED-Sat1b, Chính phủ đã quyết định hợp tác với Nhật Bản đầu tư lớn xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam với kỳ vọng sau năm 2020 sẽ trở thành trung tâm vũ trụ hiện đại nhất ở Đông Nam Á.
“Các bạn trẻ mà tôi gặp ngày hôm nay sẽ là những nhà khoa học trẻ tài năng có may mắn được trực tiếp tham gia xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam hoặc sử dụng có hiệu quả các tấm ảnh vệ tinh do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cung cấp, góp phần phát triển công nghệ vũ trụ Việt Nam tiến lên đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, thực hiện mong ước tuyệt vời của Bác Hồ kính yêu trong bức thư Người gửi đến học sinh, sinh viên toàn quốc nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu bày tỏ kỳ vọng vào giới trẻ.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cũng thông báo kế hoạch hoạch đổi tên của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia thành Trung tâm Vũ Trụ Việt Nam từ ngày 17/7/2017; Cập nhật thông tin về tình hình dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và những sự kiện sẽ diễn ra từ nay đến cuối năm 2017 như: Khởi động cuộc thi thiết kế vệ tinh dành cho giới trẻ - Cansat 2017; Thực hiện việc ký kết các gói thầu ODA với các nhà thầu Nhật Bản trong khuôn khổ dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Tháng 7/2017); Khánh thành Đài thiên văn Nha trang (Tháng 8/2017); Đăng cai tổ chức Hội nghị Châu Á – Thái Bình Dương về các Hệ thống quan trắc Trái đất toàn cầu lần thứ 10 nhằm mục tiêu cung cấp cho các nhà nghiên cứu, kỹ sư và học viên từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương một diễn đàn để trao đổi thông tin và thảo luận hợp tác về sáng kiến cụ thể và các hoạt động trong các lĩnh vực khoa học khác nhau theo chủ đề./.
Nguồn: Website Bộ Khoa học và Công nghệ